Tôi bao nhiêu tuổi thì mẹ tôi có chừng ấy năm gắn với núi rừng Tây Nguyên, và có lẽ GÙI có mặt ở Hà Nội bao nhiêu năm thì mẹ tôi có bấy nhiêu năm sống tại Hà Nội.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những rẫy cà phê, hoa dã quỳ, và tất nhiên cả những lô sầu riêng nữa. Nhà tôi thuộc diện đi làm ăn kinh tế mới từ những năm 80 của thế kỷ trước, sau vài năm đầu bố mẹ tôi bôn ba tại các nông trường, gia đình tôi bắt đầu sống ổn định tại buôn Eachucap thuộc ngoại thành của Buôn Ma Thuột và cũng từ ấy, trong tôi xuất hiện một tình cảm lạ lùng dành cho thứ quả có hương thơm lạ lùng và hình thù rất đặc biệt đó là sầu riêng.

Bởi quanh nhà tôi ngày ấy, chẳng có thứ gì khác ngoài lô cà phê và những vườn sầu riêng cổ thụ từ thời Pháp. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in tên của từng cây và nằm ở vị trí nào trong buôn, như cây sầu riêng bánh xe vì quả nó tròn như cái bánh xe, hay cây sầu riêng tổng thống vì quả nó to và gai xù xì rất oai phong, lại còn cả cây sầu riêng liệt sỹ vì bên cạnh nó có 1 cái mộ hoang….

Ngày bé, những cây sầu riêng cổ thụ trong buôn được các cô chú giao cho lũ trẻ chúng tôi cánh gác, bảo vệ. Sầu riêng có đặc điểm đặc biệt là chủ yếu chín và rụng vào ban đêm hoặc sáng sớm, thế nên ban ngày lũ trẻ chúng tôi cứ tha hồ mà chạy nhảy, trèo cây thoải mái, không lo rơi trúng đầu. Ấy thế mà một ngày đậm nỗi sầu của chúng tôi cũng xảy đến.

Chuyện là, tôi có biệt tài gãi sầu riêng bằng tay là có thể biết quả sầu chín hay chưa, thực ra món này lũ trẻ chúng tôi được học từ các cô chú trông vườn, giỏi nhất món này có anh em thằng Tuân và để chứng minh cho khả năng của mình tôi đã thu nạp thêm đứa em gái làm chiến hữu, thực ra vì nó cứ lẽo đẽo đi theo nên tôi đành thu nạp nó. Tôi phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng: “Anh trèo lên cây hái quả, mày ở dưới gốc nhận thành phẩm nghe chưa”. Con bé ngoan ngoãn vâng lời vì được nhận trọng trách lớn lao. Bằng tài nghệ của mình chỉ thoáng chốc tôi đã hái được quả sầu chín đầu tiên và hí hửng gọi chiến hữu đang há hốc mồm đứng ở dưới: “Này, mày bắt lấy, ngon lắm, chín rồi”. Và khi quả sầu rơi xuống, nó bất tỉnh dưới gốc cây bởi chính cái quả ngon chín rồi ấy rơi trúng đầu, máu me be bét. Đấy, sầu riêng gắn bó máu thịt với chúng tôi như thế đấy.

Nhân tiện đây, tôi kể các bạn nghe, vì sao chúng tôi lại có thể “chơi đến khô máu” để được ăn sầu riêng đến thế. Này nhé, sầu riêng cổ thụ thì ngon khỏi phải pr, kiểu như chè cổ thụ mà các cao nhân vẫn thường săn lùng ấy. Quả sầu ngày ấy bé chứ không to như bây giờ, bổ ra chỉ toàn hạt là hạt và thường cây sầu rất sai quả. Mỗi sáng sớm thức dậy mà có quả sầu rụng bết đầy lá khô ở gai thì hí hửng mang vào báo cáo mẹ, nếu quả hơi xấu xấu và chưa có kế hoạch cho, tặng ai thì chúng tôi sẽ được chén. Cách chén ngày ấy cũng không như bây giờ: cầm con dao tông (dao rựa) chặt quả sầu làm đôi, rồi cứ thế chanh nhau lấy ngón tay móc vào từng hốc đến khi be bét cả múi sầu ra, rồi ăn… Múi sầu không lấy được ra hết, với cả sầu ngày ấy cùi rất mỏng hạt thì to nên không được ăn kiểu ngập răng như bây giờ, nhưng ngon và nhớ mãi, cứ thế mút tay hít hà cả ngày. Ăn xong, vẫn không quên mang hạt vào rửa rồi lại hì hục nhóm bếp luộc…

Thế rồi, lớn thêm một chút, nhà tôi chuyển đến sống ở huyện Eakar – Đăk Lăk, mua được mảnh đất to hơn, trồng được nhiều cây hơn. Bố tôi đi chọn giống sầu lai của Thái Lan kiểu hạt lép cơm vàng về trồng. Đấy là giống cây nổi tiếng nhất thời ấy chứ chưa có nhiều giống như bây giờ nào Ri6, Sữa hột lép, Sáu Hữu, Khổ qua, chuồng bò, monthong…

Nhà tôi bắt đầu có một vườn sầu riêng hiện đại, to và oách nhất khu vì có những quả to đến gần chục cân, từ lúc mới ra hoa đã có bao nhiêu người đến đặt trước để làm quà cho người thân.Cũng chính vì thế mà anh em chúng tôi ít được ăn hơn, bởi những quả to, ngon đều đã được điểm mặt gửi vàng mang đi biếu hoặc bán. Và tôi bắt đầu có ý tưởng: mỗi ngày anh em tôi thay phiên nhau dậy thật sớm và ngay lập tức phi ra ngay vườn sầu riêng “kiếm ăn”. Thường là chỉ dám lấy một quả, mang cất dấu ở chỗ nào mà mẹ không biết, rồi đến trưa khi đi học về sẽ rủ nhau ra vườn chiến đấu. (sau này mẹ kể lại, mẹ biết thừa vì cái mùi đặc trưng ấy thì có thoát đằng giời)

Rồi dần dần, kinh tế khá hơn, lúc ấy tôi cũng đã trưởng thành, những quả sầu riêng to không còn để bán nữa mà được để cả nhà cùng thưởng thức. Nhà tôi đông người, thế nhưng một quả 5-7kg thì ăn phải cả ngày. Đây mới là lúc có cảm giác được ăn múi sầu to đến ngập cả răng. Cứ thế, mỗi lần đến mùa sầu, một cảm giác hân hoan, sung sướng, đủ đầy luôn ăm ắp trong tôi. Khu vực nhà tôi ở, xung quanh phần lớn là buôn của đồng bào dân tộc Ê đê với khá nhiều sầu riêng và cây ăn trái. Ngày ấy chưa thu mua rầm rộ như bây giờ nên ngày ngày các ma(tiếng đồng bào Ê đê nghĩa là bố), các mí(tiếng đồng bào Ê đê nghĩa là mẹ) đeo gùi sầu trĩu cả lưng đi bán, thường đó là những quả ngon nhất rẫy của họ.

Rồi đến lúc tôi cũng phải xa nhà, xa bố mẹ, xa các em và xa vườn sầu riêng đầy kỷ niệm với công việc riêng của mình. Nỗi nhớ trong tôi không nguôi mỗi lần thấy tivi, báo đài phát đi những bản tin về sầu riêng kém chất lượng, sầu riêng nhúng hóa chất độc hại và cả những khi người thân, bạn bè và chính bản thân phải than thở vì không biết kiếm đâu quả sầu để ăn với cảm giác yên tâm tại Hà Nội. Cũng có vài lượt mẹ gửi từ Đăk Lăk ra cho vài thùng để ăn và để tặng mọi người. Và chính từ lúc ấy, trong tôi có ý tưởng cung cấp những thứ quả ngon, an toàn từ chính nơi mình sinh ra đến với mọi người. Ngay lập tức, trong tôi hiện lên hình ảnh các ma, mí với những gùi đầy ăm ắp trên lưng, mùa nào thức ấy. Và Trái Cây Gùi của tôi ra đời. Con gái tôi hiện 3 tuổi và đó cũng là tuổi của GÙI. 3 năm, thật dài với những khó khăn, nhưng thật ngắn với những thành công bạn.

Từ những ngày đầu tháng 5/2015, sầu riêng không kịp ra để bán cho khách, bởi số lượng sầu riêng chín rụng không có nhiều. Có những khách hẹn đến lần thứ 3, sầu mới đến tay, rồi GÙI bị chê thiếu nhiệt tình, đưa hàng chậm. Sầu hết cả người! Rồi có những khi thu mua nhiều quá gửi ra bán không kịp, đành bỏ đi. Lại sầu hết cả người! Rồi mùa đông, khác khí hậu, thời tiết miền Bắc lạnh, sầu ngủ quên không thèm chín, cứ trơ ra, rồi sượng, rồi lại bỏ đi. Não nề. Phát điên. Bởi tiền cứ thế ra đi. Đến cô lao công cũng phải rồ lên khi có ngày đổ đi hàng tạ sầu hỏng, làm cái xe rác của cô cũng ì ra không tải nổi.

Không chịu thất bại, Gùi bắt đầu tính đến làm thêm những sản phẩm từ sầu riêng và món bánh Crepe sầu riêng tươi thần thánh của GÙI ra đời. Mùa đông, GÙI thay đổi cách thức thu hoạch và có hệ thống sưởi, ủ để sầu được ấm nóng và chín tự nhiên. Kể thì dễ nhưng quả thật rất gian nan. Rồi GÙI bắt đầu đến những vùng đất mới được coi là thủ phủ của sầu riêng: Phước An, Buôn Ma Thuật, Krong năng, Buôn Hồ của Đăk Lăk; Cai Lậy -Tiền Giang; Phước Long- Bình Phước; Khánh Sơn –Khánh Hòa; Gia Nghĩa –Đăk Nông…thực hiện 3 cùng với người dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm để hiểu hơn về sầu riêng ở mỗi vùng khác nhau. Rồi lựa chọn cho khách hàng của GÙI những vườn sầu riêng chất lượng nhất. Cứ thế 3 năm qua, Gùi cần mẫn cùng những người nông dân và thân thiết với khách hàng. Và Gùi của hôm nay được vun đắp, xây dựng bởi họ, những người bạn quý giá!

gggggg